Đánh Giá Sự Phát Triển Trẻ Mầm Non

Thứ tư - 15/05/2024 18:50
Nhằm củng cố cho GV cách đánh giá trẻ khi xây dựng và tổ chức hoạt động, giúp giáo viên hiểu trẻ, biết những điểm mạnh, yếu trong quá trình CS-GD của mình; Từ đó, xây dựng kế hoạch CS-GD phù hợp với sự phát triển của trẻ, điều chỉnh phương pháp, tổ chức HĐ hấp dẫn, lôi cuốn trẻ.
ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN TRẺ MẦM NON

I. Các tiêu chí về đánh giá sự phát triển của trẻ
1. Đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có. Đánh giá kết quả giáo dục trẻ phải được dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ.
2. Đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu, trên cơ sở đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục (KHGD), điều chỉnh KHGD và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp (Không đánh giá so sánh giữa các trẻ).
3. Tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về cách thức và tốc độ học tập và phát triển riêng. Chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.
II. Hướng dẫn đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non hiện nay
1.Đánh giá trẻ hằng ngày

a. Mục đích: Đánh giá nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày.
b. Nội dung
– Tình trạng sức khoẻ của trẻ.
– Trạng thái cảm xúc, thái độ và hành vi của trẻ.
– Kiến thức, kĩ năng của trẻ.
c. Phương pháp
Sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp sau đây để đánh giá trẻ:
– Quan sát.
– Trò chuyện, giao tiếp với trẻ.
– Phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ.
– Trao đổi với cha, mẹ/người chăm sóc trẻ.
Hằng ngày, giáo viên theo dõi và ghi chép lại những thay đổi rõ rệt của trẻ và những điều cần lưu ý để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục.
Lưu ý:
– Khi thực hiện theo dõi, đánh giá trẻ, giáo viên cần thực hiện phối hợp các phương pháp khác nhau một cách linh hoạt để có kết quả đáng tin cậy.
– Việc lựa chọn các phương pháp đánh giá là tùy thuộc vào sự quyết định của giáo viên sao cho thích hợp nhất với hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, quan sát tự nhiên là phương pháp được sử dụng chủ yếu nhất trong trường mầm non.
d. Thu thập thông tin:
– Kết quả đánh giá hằng ngày được giáo viên quan sát, theo dõi trong quá trình tổ chức hoạt động, sau khi tổ chức hoạt động ….
– Giáo viên theo dõi và ghi chép lại những thay đổi rõ rệt của trẻ trong ngày và những điều cần lưu ý để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục…: ghi ngắn gọn bằng những nhận định chung, những vấn đề nổi bật (có thể là ưu điểm hoặc hạn chế) thu thập được qua quan sát đối với cá nhân hoặc một nhóm trẻ.
– Những trẻ đã đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ theo các mục tiêu giáo dục của chủ đề/tháng đảm bảo ổn định, bền vững thì giáo viên đánh dấu vào Bảng tổng hợp theo dõi, đánh giá theo chủ đề/tháng
– Những trẻ chưa đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ… giáo viên tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh kế hoạch và chú ý quan tâm, hỗ trợ trẻ tổ chức các hoạt động giáo dục cho những ngày tiếp theo …
– Với những trẻ vượt trội so với yêu cầu, gió viên lựa chọn, tìm hiểu và khai thác các hoạt động giúp trẻ phát huy khả năng của bản thân như hỗ trợ các bạn chưa đạt trong hướng dẫn và thực hiện nhiệm vụ, đặt ra yêu cầu cao hơn một chút so với mục tiêu đặt ra, tổ chức nhóm riêng … (với những trường, lớp đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, số trể/lớp và đội ngũ).
Căn cứ vào những gì quan sát và ghi chép được, giáo viên có thể trao đổi với cha mẹ/người chăm sóc trẻ để cùng xem xét, xác định nguyên nhân để điều chỉnh kế hoạch và có những biện pháp giáo dục tác động kịp thời khắc phục những tồn tại, phát huy những biểu hiện tích cực của trẻ trong những ngày tiếp theo hoặc lưu ý để tiếp tục theo dõi.
Dựa theo lý thuyết về đánh giá, có thể thực hiện theo các bước sau đây trong quy trình đánh giá trẻ hằng ngày:
Bước 1: Xác lập mục đích đánh giá trẻ hằng ngày.
Bước 2: Xác định nội dung, căn cứ đánh giá trẻ hằng ngày.
Bước 3: Sử dụng phương pháp thu thập thông tin (qua quan sát; qua tình huống, phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ, trò chuyện với trẻ, trao đổi với phụ huynh, …).
Bước 4: Nhận định về kết quả đánh giá để đưa ra những điều chỉnh tác động giáo dục (nội dung, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục thích hợp).
Một số cách thu thập thông tin theo dõi, đánh giá hằng ngày
Tuỳ theo mục đích, nội dung đánh giá và các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non (số trẻ, số giáo viên trong nhóm/lớp, phòng học, đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học…) các cơ sở    
2. ĐÁNH GIÁ TRẺ THEO GIAI ĐOẠN
a. Mục đích đánh giá

Xác định mức độ đạt được của trẻ ở các lĩnh vực phát triển theo từng giai đoạn, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, GD cho giai đoạn tiếp theo.
b. Nội dung đánh giá
Đánh giá mức độ phát triển của trẻ theo giai đoạn về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng xã hội và thẩm mĩ.
c. Phương pháp đánh giá
Sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp sau đây để đánh giá trẻ:
Nhà trẻ        Mẫu giáo
– Quan sát.
– Phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ.
– Trao đổi với cha, mẹ/người chăm sóc trẻ.
– Trò chuyện, giao tiếp với trẻ.
– Sử dụng bài tập tình huống.  
– Trò chuyện với trẻ.
– Sử dụng tình huống hoặc bài tập/trắc nghiệm.
Kết quả đánh giá được giáo viên lưu giữ trong hồ sơ cá nhân trẻ.
d. Thời điểm và căn cứ đánh giá
Nhà trẻ        Mẫu giáo
– Đánh giá cuối độ tuổi (6, 12, 18, 24, 36 tháng) dựa vào kết quả mong đợi.
– Đánh giá cuối giai đoạn dựa vào mục tiêu giáo dục chủ đề/tháng, kết quả mong đợi cuối độ tuổi.
– Đánh giá mức độ phát triển thể chất của trẻ cần sử dụng thêm chỉ số về cân nặng, chiều cao cuối độ tuổi.
e. Thu thập thông tin:
Nhà trẻ

– Đánh giá trẻ nhà trẻ không diễn ra cùng một lúc, mỗi tháng, giáo viên lập danh sách các trẻ tròn 6, 12, 18, 24, 36 tháng tuổi nhận xét, đánh giá trẻ đã đạt hay chưa đạt các mục tiêu tương ứng với tháng tuổi và ghi vào Bảng kết quả đánh giá trẻ theo giai đoạn” để theo dõi cũng như trao đổi với cha mẹ trẻ. Có thể sử dụng kết quả đánh giá hàng ngày, không nhất thiết phải tổ chức buổi đánh giá riêng.
Bảng KQ đánh giá trẻ theo giai đoạn (lưu trong Sổ theo dõi chất lượng nhóm trẻ)
– Danh sách trẻ nên ghi theo từng nhóm tháng tuổi để dễ theo dõi trẻ.
– Đối với những trẻ mà thời điểm đánh giá rơi vào những tháng đầu mới đi nhà trẻ (VD tròn 6, 12, 18 tháng …), nếu giáo viên không đánh giá được sự phát triển của trẻ, thì có thể hỏi cha mẹ trẻ và ghi lại, cũng như đề ra các biện pháp kích thích sự phát triển của trẻ.
– Đối với những trẻ chưa được đánh giá lần nào vào cuối năm học, trẻ sinh tháng 6, 7, 8 (thiếu 1-3 tháng), giáo viên sử dụng các mục tiêu giáo dục của trẻ 36 tháng tuổi và coi đó là sự đánh giá cuối độ tuổi nhà trẻ trước khi lên mẫu giáo, cần chú thích về tháng tuổi của trẻ tại thời điểm thực hiện đánh giá.
Mẫu giáo
 * Đánh giá theo chủ đề/tháng

– Giáo viên có thể sử dụng kết quả đánh giá trẻ hằng ngày làm cơ sở đánh giá theo chủ đề/tháng.
– Kết quả đánh giá sự phát triển của trẻ cuối chủ đề/tháng được giáo viên theo dõi, tổng hợp và ghi vào Bảng đánh giá sự phát triển của trẻ (mẫu dưới đây). Kết quả đánh giá được lưu vào Sổ theo dõi chất lượng của lớp hoặc kế hoạch giáo dục.
– Mỗi lớp sử dụng 1 Bảng cho 1 chủ đề/tháng được tổng hợp như sau:
– Cuối bảng: Một số vấn đề cần lưu ý (ghi những vấn đề cần quan tâm, cần lưu ý hoặc chuẩn bị cho chủ đề/tháng tiếp theo: đối với trẻ; đối với giáo viên; đối với nhà trường; đối với cha mẹ/người chăm sóc trẻ….).
– Trên cơ sở kết quả đạt được của trẻ, giáo viên điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục cho giai đoạn tiếp theo.
Điều chỉnh kế hoạch chủ đề/ tháng tiếp theo
– So sánh, phân tích, đánh giá kết quả của chủ đề/tháng so với mục tiêu đề ra
– Đối với những mục tiêu có tổng số trẻ đạt (+) dưới 70 % thì giáo viên tiếp tục đưa mục tiêu chưa đạt vào mục tiêu giáo dục của chủ đề/tháng tiếp theo.
– Đối với mục tiêu có tổng số trẻ đạt (+) trên 70% thì giáo viên điểm ra số trẻ chưa đạt để giúp trẻ rèn luyện mọi lúc, mọi nơi trong quá trình giáo dục và phối hợp với phụ huynh để giúp trẻ đạt được.
Do đó mục tiêu giáo dục của chủ đề/tháng tiếp theo sẽ gồm các mục tiêu mới, các mục tiêu lặp lại (nếu có) cộng thêm các mục tiêu được chuyển từ chủ đề trước sang (những mục tiêu có số trẻ đạt dưới 70%)
– Ghi chép nhận xét tổng hợp trong kế hoạch giáo dục hoặc sổ theo dõi trẻ khi kết thúc chủ đề/tháng. Giáo viên lập bảng tổng kết sau chủ đề/tháng, có thể sử dụng bút các màu để thuận tiện trong theo dõi.
 Điều chỉnh kế hoạch ngày: Những mục tiêu trẻ chưa đạt (-) giáo viên điều chỉnh các hoạt động giáo dục cho phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ.
Việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục thường bao gồm các nội dung sau:
– Điều chỉnh mục tiêu giáo dục: Căn cứ kết quả đạt được của trẻ, nhóm trẻ để giáo viên điều chỉnh mục tiêu giai đoạn, chủ đề/tháng tiếp theo cho phù hợp.
– Điều chỉnh, mở rộng, phát triển nội dung của chủ đề/tháng.
– Điều chỉnh phương pháp, biện pháp giảng dạy, giáo dục trẻ.
– Điều chỉnh hình thức tổ chức hoạt động giáo dục trẻ phù hợp với lứa tuổi, với đặc điểm phát triển tâm sinh lí của trẻ và điều kiện thực tế.
– Điều chỉnh môi trường giáo dục: môi trường vận động, môi trường chữ, đề xuất trang bị thêm, sử dụng có hiệu quả các loại đồ dùng dạy học, đồ chơi…
– Đề xuất công tác phối hợp với cha mẹ/người chăm sóc trong giáo dục trẻ: Giáo viên có thể trao đổi với cha mẹ/người chăm sóc để có những nhận định chính xác hơn và phối hợp với gia đình trong việc giáo dục trẻ.
*  Đánh giá cuối độ tuổi
– Đánh giá sự phát triển của trẻ cuối độ tuổi được tiến hành vào tháng cuối cùng của năm học. Việc thu thập thông tin được diễn ra trong suốt quá trình thực hiện các chủ đề/tháng, suốt cả năm học.
Đối với những trẻ, nhóm trẻ vào thời điểm cuối độ tuổi mà vẫn chưa có đủ thông tin để nhận định, đánh giá thì có thể tiếp tục tiến hành đánh giá vào thời điểm kết thúc năm học và có thể sử dụng bài tập hoặc sử dụng tình huống, phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ để đánh giá đối với những trẻ này vào thời điểm này.
– Xây dựng Phiếu đánh giá cuối độ tuổi: Căn cứ vào mục tiêu giáo dục trẻ theo kế hoạch năm học (mục tiêu GD đã được xây dựng dựa trên kết quả mong đợi), các giáo viên cùng cán bộ quản lí của nhà trường, cán bộ quản lí ngành học có liên quan lựa chọn từ 30 – 40 mục tiêu giáo dục làm căn cứ xây dựng thành phiếu đánh giá sự phát triển của trẻ. Các mục tiêu được lựa chọn phải đảm bảo đầy đủ các lĩnh vực phát triển, đáp ứng những định hướng phát triển trẻ của từng địa phương.
– Các phương pháp đánh giá sự phát triển của trẻ cuối năm tuỳ thuộc vào sự lựa chọn và sử dụng của giáo viên sao cho phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại. Giáo viên có thể sử dụng kết quả đánh giá trẻ hằng ngày và đánh giá trẻ theo chủ đề/tháng để làm cơ sở đánh giá sự phát triển của cá nhân trẻ cuối độ tuổi.
– Kết quả đánh giá được ghi vào phiếu đánh giá sự phát triển của trẻ, mỗi trẻ có 01 phiếu đánh giá được lưu vào hồ sơ cá nhân và thông báo với cha mẹ trẻ để phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường và ở gia đình. Đồng thời, giáo viên sử dụng kết quả này trao đổi với đồng nghiệp để điều chỉnh kế hoạch giáo dục, trao đổi với giáo viên khi trẻ chuyển lớp, chuyển trường và cùng phối hợp đề xuất các biện pháp giáo dục phù hợp.
Tuỳ theo mục đích, nội dung đánh giá và các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non (số trẻ, số giáo viên trong nhóm/lớp, phòng học, đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học…) các cơ sở giáo dục mầm non có thể linh hoạt sử dụng 1 trong 3 cách đánh giá như sau:
– Cách 1: Đánh giá theo 2 mức độ:
+ “Đạt”: Xuất hiện các biểu hiện theo mục tiêu chủ đề/tháng thường xuyên, ổn định.
+ “Chưa đạt”: Xuất hiện các biểu hiện theo mục tiêu chủ đề/tháng ở mức độ đang hình thành (chưa rõ nét) hoặc chưa thường xuyên, chưa ổn định.
– Cách 2: Đánh giá theo 3 mức độ:
+ Mức độ 1: Chưa thực hiện được/Bắt đầu/Chưa đạt yêu cầu.
+ Mức độ 2: Thực hiện có lúc đúng lúc sai/Có tiến bộ/đạt yêu cầu.
+ Mức độ 3: Thực hiện luôn luôn đúng/Thành thạo/Vượt yêu cầu.
– Cách 3: Đánh giá theo 5 mức độ:
1. Không bao giờ.
2. Rất ít khi/ Hầu như không.
3. Thỉnh thoảng.
4. Thường xuyên.                                       
5. Luôn luôn
3. Lưu ý khi thực hiện đánh giá sự phát triển của trẻ
3.1. Đánh giá sự phát triển của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu, trên cơ sở đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục (KHGD), điều chỉnh KHGD và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp.
3.2. Đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có. Đánh giá sự phát triển của trẻ phải dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ.
3.3. Tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về hứng thú, cách thức và tốc độ học tập. Chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.
3.4. Kết quả đánh giá sự phát triển của cá nhân trẻ, của nhóm, lớp không sử dụng để đánh giá thi đua, thành tích của giáo viên, của tập thể nhóm lớp, không xếp loại trẻ, không dùng để so sánh giữa các trẻ hoặc tuyển chọn trẻ vào lớp một.
Tóm lại: Hoạt động đánh giá sự phát triển của trẻ trong nhà trường:
– Chủ yếu do giáo viên tiến hành trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ có sự phối hợp tham gia của cha mẹ trẻ/người chăm sóc trẻ.
– Cán bộ quản lí giáo dục các cấp (Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Ðào tạo và Ban giám hiệu nhà trường) khi tham gia đánh giá sự phát triển của trẻ với các mục đích khác nhau cần chú ý không tạo áp lực cho giáo viên và nhà trường, đặc biệt việc chạy theo thành tích mà cần hướng đến mục đích chung để nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ.
*Thực hành các nhóm (tự thực hiện):
– Chia các nhóm, mỗi nhóm thiết kế và tổ chức 1 hoạt động giáo dục của trẻ thực hành minh họa cho việc thực hiện các tiêu chí trên của trẻ độ tuổi nhà trẻ hoặc mẫu giáo theo chế độ sinh hoạt trong ngày của trẻ tại trường mầm non:
Ví dụ:
– Đón trẻ, chơi, thể dục sáng
– Chơi – Tập (Nhà trẻ)/Học (Mẫu giáo)
– Chơi, hoạt động ở các góc
– Chơi ngoài trời
– Ăn – Ngủ – Vệ sinh
– Chơi, hoạt động theo ý thích
– Trẻ chuẩn bị ra về và trả trẻ
– Trao đổi, thảo luận

Tác giả: Mầm Non An Lập, Lê Thị Duyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bữa sáng:

Bún cá viên viên rau giá,
 Sữa netsure grow IQ plus

Bữa trưa:

Cơm 
Xào: Bắp cải xào
Mặn: Trứng chiên thịt heo nấm mèo
Canh: Canh chua cá rau quả 

Bữa xế:

Cháo lươn - cá lóc khoai môn nấm

Bữa chiều:

Dưa hấu

Văn bản mới

702/SGDĐT-GDTrHTX

Ngày ban hành: 02/04/2024. Trích yếu: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông báo công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cấp phép theo thẩm quyền.

Ngày ban hành: 02/04/2024

KH số 37/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 21/06/2024. Trích yếu: Tuyển sinh MN

Ngày ban hành: 21/06/2024

QĐ số 66/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: Công nhận BDTX THCS

Ngày ban hành: 12/06/2024

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường?

violimpic
Bộ giáo dục và đào tạo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây