Phương pháp giáo dục Steam Trong hoạt động khám phá khoa học
Giáo dục Steam hoạt động khám phá khoa học
Giáo dục STEAM tích hợp các yếu tố Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Nghệ thuật và Toán học; là phương pháp giáo dục chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, do đó, trẻ được tiếp cận phương pháp giáo dục này có những ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn; thúc đẩy tối đa năng lực tiềm ẩn bên trong mỗi trẻ, tôn trọng sự khác biệt và trí tưởng tượng phong phú của trẻ, mang tính thực tiễn cao và phát triển kĩ năng làm việc theo nhóm.
Cách tiếp cận giáo dục theo STEAM chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng những lợi ích mà STEAM mang lại cho trẻ thì rất lớn. Ở nơi đó những đứa trẻ được trải nghiệm những kiến thức thực tiễn, “chơi thông minh và học vui vẻ”. Tích hợp giáo dục STEAM trong thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo hướng đồng tâm phát triển về kiến thức và kĩ năng, sẽ thuận lợi và đảm bảo nội dung của chương trình cũng như đạt được kết quả mong đợi dành cho trẻ.
Con đường tới STEAM là vô cùng thú vị. Khi quan sát một đứa trẻ được trải nghiệm thực làm cùng STEAM sẽ thấy chúng tập trung, say sưa, trí tưởng tượng được sáng tỏ, trí tò mò được thỏa mãn và hơn hết tình yêu, niềm đam mê với khoa học và công nghệ được nảy sinh. Trẻ mầm non có thể ghi nhớ mọi thứ nhanh nhất khi nó được ứng dụng vào chính cuộc sống của mình. Chính vì thế, muốn bài học trở nên hứng thú và có ý nghĩa với trẻ, hãy biến mỗi kiến thức thành một sản phẩm như: chiếc chong chóng quay, chiếc đèn phát sáng, ô tô phản lực,… Khi các nguyên lý khoa học trở nên cụ thể qua các món đồ chơi yêu thích của trẻ, được trẻ tự sáng tạo ra thì chúng sẽ trở nên vô cùng hứng thú và có tác động tích cực đến quá trình trẻ tiếp thu kiến thức. Khoa học trong STEAM sẽ không chỉ giúp cung cấp cho trẻ những kiến thức liên quan đến chủ đề mà còn kích thích sự tò mò, niềm hứng thú của trẻ thông qua các câu hỏi “vì sao?”, “như thế nào?”. Trong giáo dục STEAM, khoa học được hiểu là sự quan sát và trải nghiệm, đặt câu hỏi, đưa giả thuyết và phán đoán về thế giới xung quanh trẻ.
Dạy trẻ khám phá khoa học ngay từ lứa tuổi MN sẽ hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, tính kiên trì cũng như kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề. Giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng bằng cách sử dụng các thuật ngữ khoa học phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Giáo dục STEAM có thể ứng dụng tổ chức nhiều hoạt động, song hoạt động khám phá khoa học là hoạt động có thể ứng dụng giáo dục STEAM một cách rõ nét và đạt hiệu quả cao nhất.
Sau đây là 1 số nọi dung cần lưu ý khi tổ chức HĐ khám phá khoa học theo hướng STEAM:
1. Lập kế hoạch, lựa chọn nội dung khám phá khoa học phù hợp các chủ đề trong năm học 2024- 2025
Ví dụ:
Stt |
Chủ đề |
Nội dung khám phá khoa học |
Thời gian thực hiện |
1 |
Trường Mầm non của bé |
- Khám phá chiếc đèn lồng
- Sự kì diệu của giấy
- Khám phá về chiếc bánh Trung Thu |
Từ ngày ... đến ... |
2 |
Bản thân |
- Khám phá về đôi bàn tay
- Khám phá về đôi mắt |
Từ ngày ... đến ... |
3 |
Gia đình bé yêu |
- Thí nghiệm: Thổi bóng bằng Bangkingsoda và giấm
- Khám phá về cách pha nước ngâm chân cho mẹ
- Làm đèn lava |
Từ ngày ... đến ... |
4 |
Một số nghề bé biết |
- Khám phá về chiếc đồng hồ
- Khám phá về nghề nông |
Từ ngày ... đến ... |
5 |
Những con vật ngộ nghĩnh |
- Khám phá về quả trứng
-Thí nghiệm trứng nổi trứng chìm
- Khám phá về con cá |
Từ ngày ... đến ... |
6 |
Tết và mùa xuân |
- Khám phá về chiếc bánh chưng
- Khám phá về cây hoa đào |
Từ ngày ... đến ... |
7 |
Thực vật xung quanh bé |
- Tại sao hạt nảy mầm
- Cây hoa đổi màu
- Khám phá về quả cam |
Từ ngày ... đến ... |
8 |
Giao thông |
- Khám phá về chiếc xe máy
- Khám phá về chiếc mũ bảo hiểm |
Từ ngày ... đến ... |
9 |
Nước và một số hiện tượng tự nhiên |
- Sự đông đặc của nước đá
- Đá sắc màu
- Khám phá về gió
- Khám phá về sự hòa tan của nước |
Từ ngày ... đến ... |
10 |
Quê hương của bé |
- Khám phá về cây chè
- Thí nghiệm về sữa ma thuật |
Từ ngày ... đến ... |
2. Xây dựng góc khoa học theo hướng STEAM
Để có một môi trường hoạt động giáo dục STEAM giống như bất cứ môi trường học qua chơi nào, chúng ta cần không gian và đồ dùng. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn môi trường trong lớp học, xây dựng không gian bảo đảm có một góc khoa học cho trẻ khám phá và là nơi để giáo viên đưa ra các yêu cầu cho trẻ. Môi trường hoạt động giáo dục STEAM được xây dựng gắn liền với chủ đề sự kiện để trẻ khám phá về chủ đề sự kiện đó. Thông thường việc khám phá khoa học gắn liền với các chủ đề, vì vậy bảng chủ đề trong đó có nêu các vấn đề chính của chủ đề có thể gắn liền với góc khoa học để kích thích sự tò mò, khám phá của trẻ. Góc khoa học được sắp xếp để mời gọi trẻ chơi và khám phá, giáo viên có thể gắn các hình ảnh, đặt các đồ vật để kích thích trẻ khám phá và đặt câu hỏi, góc khoa học cũng cần có không gian để Giáo viên trưng bày dự án hay hoạt động trẻ đang hoàn thiện hoặc đã hoàn thành.
Các góc chơi được trang trí theo hướng mở, là nơi sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, khoa học, gọn gàng, ngăn nắp, phù hợp với tầm tay để trẻ tự tìm, tự lấy, tự cất, tự trang trí, tự tạo ra các sản phẩm bằng chính bàn tay của mình.
* Môi trường bên ngoài:
Môi trường bên ngoài lớp học là yếu tố góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện trẻ. Nhà trường đã bố trí các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời một cách khoa học và phù hợp hơn.
Bố trí diện tích sân tập thể dục cho trẻ toàn trường và khu chơi thể thao (cột bóng rổ, thang leo, …); khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời (cầu trượt, đu quay, bập bênh, nhà bóng…); khu vực chơi với đất, cát, nước, đá, sỏi…; khu vực trẻ trồng rau, trồng cây và chăm sóc cây cối, con vật nuôi; khu chơi với các nhân vật cổ tích, hay còn gọi là “vườn cổ tích”, khu trồng cỏ, trồng hoa, trồng cây cảnh, cây bóng mát trên sân trường; Đảm bảo an toàn, có tính thẩm mỹ cao. Đảm bảo vệ sinh về nguồn nước, không khí, vệ sinh an toàn trong ăn uống. Tạo 1 góc cầu thang có các đồ dùng khám phá khoa học ngoài trời, các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi thường xuyên được bảo dưỡng, giữ gìn vệ sinh, tạo sự hấp dẫn đối với trẻ.
Ngoài ra, môi trường giáo dục cũng cần tạo cho trẻ cảm giác an toàn về mặt tâm lý: được yêu thương, được tôn trọng và đáp ứng các nhu cầu chính đáng; Cần đa dạng, phong phú, kích thích sự phát triển của trẻ qua các trang thiết bị ngoài trời; kích thích các vận động khác nhau của trẻ.
Tận dụng các nguồn nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để trẻ khám phá, đặc biệt là nguồn nguyên liệu tự nhiên và phế liệu có sẵn.
* Môi trường trong lớp học:
- Thiết kế góc khoa học trong lớp: Khi sắp xếp cần đảm bảo các yêu cầu:
+ Góc Khoa học được đặt ở vị trí phù hợp.
+ Góc chơi phải hấp dẫn, thu hút trẻ chơi; Có tính kích thích, gợi mở, cuốn hút trẻ tò mò khám phá.
+ Nguyên liệu sử dụng vật thật, vật tự nhiên và các phế liệu tái sử dụng đảm bảo an toàn.
+ Thiết kế gồm có 3 khu vực: Giá để nguyên vật liệu, học liệu, tranh ảnh, chữ cái: khoa học; Nơi trẻ chế tạo và trải nghiệm tạo ra sản phẩm; Nơi trưng bày sản phẩm.
+ Có khu vực để trẻ hợp tác, tương tác, được thảo luận với nhau, được lựa chọn các đồ chơi khác nhau.
+ Góc chơi sắp xếp khoa học, dễ quản lý, bảo quản và thuận tiện vệ sinh. Cần sắp xếp góc chơi theo góc nhìn của trẻ (độ cao vừa phải để trẻ dễ thao tác với đồ dùng trong góc…)
- Chuẩn bị học liệu
Học liệu được chuẩn bị theo nội dung hoạt động tại góc theo từng chủ đề; cô chuẩn bị đa dạng các học liệu để định hướng, khơi gợi ý tưởng cho trẻ cùng thảo luận và thống nhất cách thức thực hiện.
Nội dung chơi ở góc này trẻ sẽ thực hiện các thí nghiệm nhỏ với các đồ dùng gẫn gũi với trẻ: Màu nước, hạt gạo, sữa, giấy ăn,…
Các đồ dùng phục vụ thí nghiệm được ưu tiên vật thật và các nguyên, vật liệu từ thiên nhiên, tái chế an toàn với trẻ như: Cốc có chia vạch ml, chai, cốc, lọ có nhiều kích thước khác nhau, bộ dụng cụ đo thể tích, xi lanh, dụng cụ thí nghiệm, kính lúp, cân điện tử,...
Ví dụ: Ở chủ đề nước và các hiện tượng tự nhiên khi cho trẻ làm thí nghiệm núi lửa phun trào. Giáo viên cần chuẩn bị cho trẻ những đồ dùng dụng cụ như sau:
- Nước lọc
- Nước rửa chén
- Màu nước
- Dấm trắng
- Baking soda
- Phễu
- Chai, lọ thủy tinh
Các nguyên vật liệu được sắp xếp trên giá phù hợp với chiều cao của trẻ, giúp trẻ thuận tiện trong việc lấy, cất đồ dùng, nguyên vật liệu. Khu vực chế tạo, thí nghiệm phù hợp với nội dung hoạt động; có nơi trưng bày sản phẩm của trẻ, tạo cảm xúc tích cực, hứng thú, vui vẻ cho trẻ khi tham gia hoạt động.
3.Tổ chức hoạt động khám phá khoa học ứng dụng giáo dục STEAM.
Việc tổ chức dạy trẻ lồng ghép giáo dục STEAM trong hoạt động khám phá khoa học là một việc làm rất cần thiết. Đây chính là cơ hội để giáo viên cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ một cách tốt nhất. Giáo viên cần phải xác định mục tiêu trong khám phá khoa học là trẻ biết đặc điểm, cấu tạo, sự phát triển, nguồn gốc, các loại và hiện tượng; Trẻ làm: Quan sát, so sánh, phân loại, dự đoán, suy luận và chia sẻ. Nhưng để lồng ghép cho phù hợp, điều đó phụ thuộc vào giáo viên, muốn thực hiện tốt giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo, lựa chọn hình thức phù hợp, nội dung sáng tạo với bài dạy, với chủ đề và nhận thức của trẻ. Qua đó, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng hứng thú.
Dạy HĐ KPKH trong vận dụng Steam, dùng quy trình 5E. Khi xây dựng hoạt động khám phá cho trẻ, GV cần xác định rõ mục tiêu trong quy trình 5E: Gắn kết, khảo sát, giải thích, áp dụng, đánh giá. Với hoạt động khám phá khoa học thì mục tiêu chính của hoạt động là khoa học, mục tiêu tích hợp là công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán.
Khi tiến hành tổ chức hoạt động thay vì giáo viên cung cấp cho trẻ kiến thức, kỹ năng đã định sẵn, GV cần cho trẻ khám phá đối tượng phù hợp bằng 5 giác quan, yêu cầu trẻ tự đặt ra các câu hỏi: Vì sao? Tại sao? Khi nào? Ở đâu?... và tiến hành cho trẻ tìm tòi khám phá, phát triển kỹ năng diễn đạt và trẻ được nói về những gì trẻ khám phá được bằng câu có nghĩa, câu hoàn chỉnh, kỹ năng làm việc nhóm... để đi đến kết luận về các sự vật, hiện tượng trong thế giới xung quanh, nhờ vậy khả năng cảm nhận của trẻ sẽ chính xác hơn, những biểu tượng, kết quả trẻ thu nhận được trở nên cụ thể, sinh động và hấp dẫn hơn. Vì thế khi cho trẻ quan sát và thực hiện một số thí nghiệm khoa học, giáo viên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, để trẻ khám phá ra vấn đề cần giải quyết, những hiện tượng mà trẻ nhìn thấy và nghe thấy, tránh giải thích dài dòng về nguyên lý khoa học, mà hãy tập trung vào giúp trẻ phát hiện những thay đổi, những diễn biến của hiện tượng. Với các nguyên lý khoa học phức tạp trẻ sẽ tiếp tục được tiếp cận ở các cấp học cao hơn.
Ví dụ: Thực hành quy trình pha nước muối
Trước tiên cần xác định mục tiêu của bài học để xem trẻ của lớp mình có thể đạt được bao nhiêu mục tiêu.
Mục tiêu:
- Khoa học: Trẻ hiểu được ích lợi của muối đối với con người: dùng trong sinh hoạt, nấu nướng, vệ sinh răng miệng. Nhận biết tính chất đặc điểm của muối: mặn, tan trong nước, màu trắng.
- Công nghệ: Biết sử dụng các dụng cụ khác nhau để pha nước muối.
- Kỹ thuật: Trẻ biết pha theo quy trình để tạo ra nước muối.
- Nghệ thuật: Trẻ biết vẽ, trang trí các ký hiệu để tạo ra nhãn dán cho sản phẩm của mình.
- Toán học: Trẻ biết đọc kết quả, đong mực nước khi pha nước muối.
Chuẩn bị:
- Muối
- Đồ trang trí: Bút màu, giấy màu…
- Nước lọc
- Thìa cà phê
- Cốc đong, chai đựng.
- Khay, giỏ dụng cụ.
- Bảng quy trình pha nước muối in ra cho từng nhóm.
Hoạt động khám phá cô sẽ chia trẻ thành 3-5 nhóm để trẻ hoạt động và thực hành quy trình pha nước muối.
Bước 1: Gắn kết
-Thăm dò hiểu biết của trẻ về đặc điểm của muối ăn thông qua câu hỏi: Các bạn ơi, chúng mình hãy suy nghĩ và trả lời câu hỏi của cô nhé! Gia vị nào trong bữa ăn có vị mặn các bạn nhỉ? Lúc đó cô mới mang muối ăn ra cho trẻ quan sát. Chúng mình hãy quan sát xem muối ăn có đặc điểm gì?( Gợi ý cho trẻ: muối có vị gì, màu gì và khi cho vào nước thì muối như thế nào?)
- Thăm dò hiểu biết của trẻ về lợi ích của muối ăn thông qua trò chơi hoặc 1 tình huống có vấn đề: Muối ăn là gia vị quen thuộc với mỗi gia đình. Vậy muối ăn có lợi ích gì chúng mình hãy chơi 1 trò chơi nhé!
+ Cô có 3 câu hỏi: Muối ăn đến từ đâu? Muối ăn dùng để làm gì? Ăn nhiều muối có tốt không? Các nhóm nhanh tay chọn đáp án trên màn hình.
Các bạn ơi như vậy muối có lợi ích gì? ( Làm gia vị cho các bữa ăn giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn, giúp matxa, vệ sinh răng miệng vì muối có khả năng sát khuẩn, giúp răng miệng thơm tho sạch sẽ). Vậy bây giờ chúng mình cùng đi pha nước muối nào!
Bước 2: Khảo sát: Thực hành quy trình pha nước muối
- Cho trẻ xem video về quy trình pha nước muối, phát cho trẻ 1 khay dụng cụ đã chuẩn bị trước và 1 phiếu in quy trình pha nước muối. Sau khi các nhóm nhận đủ dụng cụ sẽ tiến hành làm nhiệm vụ nhóm: Trong 15 phút các nhóm hãy thực hiện quy trình pha nước muối theo các bước như trong phiếu. Trẻ có thể làm theo nhóm hoặc làm cá nhân, mỗi trẻ 1 chai nước muối cho chính bản thân trẻ.
Bước 3: Chia sẻ
- Trưng bày sản phẩm tại chỗ của mình.
- Trẻ đi xung quanh quan sát sản phẩm của các bạn.
Bước 4: Áp dụng
- Thực hành các bước súc miệng nước muối.
- Cho trẻ xem video các bước súc miệng nước muối đúng cách:
+ Rót 100ml nước nuối ra cốc.
+ Súc miệng 2 lần tại khoang miệng và nhổ ra, mỗi lần 15s.
+ Ngửa cổ súc miệng 2 lần tại cổ họng và nhổ ra, mỗi lần 15s.
Giáo viên hướng dẫn trẻ đếm 15s thầm trong đầu.
Bước 5: Đánh giá
- Hôm nay các con thấy các bạn trong nhóm học như thế nào?
- Bạn nào trong nhóm tích cực nhất?
- Con có góp ý gì cho các bạn không?
Cô đánh giá trẻ theo bảng đánh giá mà cô đã chuẩn bị.
Không những tổ chức hoạt động khám phá trong lớp học mà GV cần tổ chức hoạt động khám phá ngoài lớp học, chăm sóc vườn rau, vườn ươm, nhận ra sự phát triển của cây. Tổ chức hoạt động ngoài trời như chơi, làm thí nghiệm, trải nghiệm gắn liền với môi trường trải nghiệm tự nhiên.
4. Công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ trẻ
- Thông qua buổi họp cha mẹ học sinh, vào các giờ đón, trả trẻ, GV trao đổi với Cha mẹ trẻ về kiến thức và tầm quan trọng của giáo dục STEAM đối với giáo dục mầm non. Trao đổi, giúp Cha mẹ trẻ có những hiểu biết cơ bản về giáo dục STEAM để đồng hành dạy trẻ tại gia đình khi giáo viên giao việc cho trẻ ở nhà.
Giới thiệu các sản phẩm STEAM do cô và trẻ tự làm, từ đó vận động tới các bậc cha mẹ ủng hộ đồ dùng là vật thật từ gia đình đem đến làm học liệu ở lớp cho trẻ khám phá, các nguyên liệu để trẻ ứng dụng tạo ra sản phẩm. Tuyên truyền, phối kết hợp với cha mẹ trẻ ủng hộ các nguyên vật liệu sẵn có giúp trẻ khám phá khoa học nhằm phát triển nhận thức cho trẻ.
- Trên bảng tuyên truyền, nhóm zalo của lớp, GV chia sẻ với các bậc Cha mẹ về các tài liệu liên quan đến giáo dục STEAM, chương trình học, nội dung giáo dục các tháng, nhu cầu đối với hoạt động của trẻ và mong muốn sự tham gia của cha mẹ cùng kết hợp với giáo viên đem cuộc sống thực vào trong lớp học để trẻ có cơ hội trải nghiệm khám phá và áp dụng thực tiễn.
- Bên cạnh đó, mời Cha mẹ trẻ đến trải nghiệm với các con về ngày hội STEAM tại lớp, mời Cha mẹ trẻ tham gia một số hoạt động cùng với trẻ như “Làm chuông gió”, trải nghiệm “Bé vui đón tết”, “Làm cây thông noel”… Cô đưa ra ý tưởng, cha mẹ trẻ phối kết hợp cùng cô tổ chức sự kiện và trẻ được trải nghiệm, tham gia các dự án và được hoạt động.